(TN&MT) – Thay vì sử dụng xe chạy bằng nhiên liệu CNG, TP.HCM sẽ sử dụng xe buýt điện cho tuyến buýt nhanh đầu tiên (Dự án BRT 1) thuộc Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM vì ưu điểm không gây tiếng ồn và ít ô nhiễm môi trường. Đây là đề xuất vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM báo cáo UBND TP.HCM.
Ít ô nhiễm môi trường
Theo Sở Giao thông vận tải, xe chạy bằng điện phù hợp với mục tiêu, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Chương trình Hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng định hướng phát triển, sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe điện trong giai đoạn 2025 – 2030.
Cụ thể, về ưu điểm của xe buýt điện, là loại xe thân thiện với môi trường, vận hành không tiếng ồn, không thải ra khói bụi gây ô nhiễm môi trường và gây hiệu ứng nhà kính. Chi phí vận hành, bảo dưỡng tiết kiệm hơn so với xe sử dụng động cơ đốt trong.
Tuy nhiên, theo Sở Giao thông vận tải, thời điểm hiện tại, xe buýt điện có chi phí đầu tư ban đầu tương đối cao so với xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG (Compressed Natural Gas – khí thiên nhiên nén, thành phần chủ yếu là metane CH4 được lấy từ những mỏ khí thiên nhiên, qua xử lý và nén ở áp suất cao (250atm) để tồn trữ. Do không có benzene và hydrocarbon kèm theo, nên hai loại nhiên liệu này không giải phóng nhiều khí độc như NO2, CO… và hầu như không phát sinh bụi). Theo tính toán, sẽ cao hơn khoảng từ 1,5 – 3 lần. Ngoài ra, chi phí đầu tư hệ thống bãi đỗ xe và hạ tầng trạm sạc đảm bảo đáp ứng nhu cầu nạp điện cho đoàn phương tiện tương đối lớn. Bên cạnh đó, công tác đấu thầu chọn đơn vị cung cấp xe cùng dịch vụ vận tải cũng gặp khó khăn do hiện chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá chi phí cho xe buýt điện.
Vì vậy, Sở Giao thông vận tải đề xuất UBND TP.HCM giao chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM) phối hợp với đơn vị tư vấn và các nhà sản xuất xe buýt điện trong nước nghiên cứu, rà soát các thông số thiết kế xe phù hợp với thực tiễn, hạn chế các yêu cầu kỹ thuật quá đặc thù ảnh hưởng đến tính khả thi trong việc sản xuất, cung cấp xe.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng định mức, đơn giá dịch vụ cung ứng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhanh để làm cơ sở lập dự toán kinh phí đấu thầu hoặc đặt hàng. Trường hợp không có doanh nghiệp nào tham gia đấu thầu hoặc nhận đặt hàng cung cấp dịch vụ cho tuyến BRT số 1, Sở Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu, đề xuất tham mưu UBND TP.HCM các giải pháp thay thế phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tuyến BRT số 1 dài 26km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức) kết nối với tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Dự án BRT 1 có tổng mức đầu tư 143 triệu USD, trong đó, 121,2 triệu USD từ vốn vay Ngân hàng thế giới, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có 6 tuyến BRT.
Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào thành phố để sinh sống. Trong đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn.
PGS,TS. Hồ Quốc Bằng – Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết: hoạt động giao thông là tác nhân gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại TP.HCM. Trong đó, xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi, 31% phát thải bụi siêu mịn. Kết quả kiểm kê phát thải khí nhà kính tại TP.HCM, lĩnh vực giao thông vận tải cũng chiếm 45 % tổng lượng phát thải và hấp thụ khí nhà kính.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí do các hoạt động giao thông ngày càng nghiêm trọng, thời gian qua, UBND TP.HCM đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm không khí do các hoạt động giao thông. Trong đó, TP.HCM sẽ hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, tập trung phát triển các loại hình giao thông công cộng.
Trong Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM”, TP.HCM đặt ra mục tiêu: vận tải hành khách công cộng đảm nhận 15% nhu cầu giao thông đô thị vào năm 2025 và 25% nhu cầu giao thông đô thị vào năm 2030.
Ngoài ra, trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, TP.HCM sẽ triển khai Dự án nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường kết nối giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng nhằm tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Theo UBND TP.HCM, Dự án này sẽ góp phần giảm kẹt xe, giảm phát thải khí nhà kính. Kết quả tính toán tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính là 44.638 tấn CO2tđ/năm.
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/