Từ ngày 4/9, đại diện các đơn vị, địa phương thực hiện dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) tại thành phố Đà Nẵng tham gia khóa tập huấn về quản lý chất thải rắn tại thành phố Yokohama (Nhật Bản).
Theo đó, trong gần 1 tuần học tập kinh nghiệm, tập huấn về công tác quản lý chất thải rắn tại thành phố Yokohama, đoàn cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị, địa phương của thành phố Đà Nẵng trao đổi về tiến độ thực hiện giai đoạn 2 của dự án; tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng thị trấn sinh thái Kawasaki; tái chế dầu ăn thừa để sản xuất xà phòng; kỹ thuật ủ phân theo phương pháp Takakura; phương pháp trộn đất và ủ phân tại quận Seya; tái chế dầu ở thành phố Saga; tái chế rác thải thực phẩm dành cho doanh nghiệp tại J Bio Food Recycle…
Đây là các hoạt động nằm trong khuôn khổ giai đoạn 2 dự án “Hợp tác với kinh nghiệm quản lý chất thải rắn thành phố Yokohama (D-3RYM)”. Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ thành phố Đà Nẵng về mặt kỹ thuật đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn, đáp ứng các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường.
Giai đoạn 2 của dự án được triển khai từ 2022 – 2025, nhằm tăng cường hệ thống quản lý chất thải rắn đô thị từ phân loại rác tại nguồn đến xử lý và tuần hoàn tài nguyên bền vững.
Ở giai đoạn 1, dự án Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế đã được thực hiện thành công với sự hợp tác hiệu quả giữa hai thành phố Đà Nẵng và Yokohama, sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES). Thông qua dự án, nhiều mô hình lan tỏa trong cộng đồng ở các quận: Hải Châu, Thanh Khê và làm cơ sở để UBND thành phố Đà Nẵng quyết định triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến năm 2025.
Nguồn: monre.gov.vn