CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, QUAN TRẮC ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Công tác quản lý chất lượng môi trường lưu vực sông

0

Tại một số lưu vực sông (LVS) chính, nhất là LVS Nhuệ – Đáy, hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, sông Cầu, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Sài Gòn – Đồng Nai đoạn chảy qua các đô thị, khu dân cư, tình trạng ô nhiễm nước mặt vẫn tiếp tục  diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa khô khi lưu lượng dòng chảy trên các sông này giảm mạnh.

Công tác quản lý chất lượng môi trường nước mặt đã được quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (Điều 7-9), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (Điều 4-5) và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT (Điều 4); trong đó, có những quy định cụ thể về hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt và hướng dẫn đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt.

Các vấn đề chính về ô nhiễm môi trường các lưu vực sông 

Nước thải sinh hoạt chưa được xử lý, xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và các vùng lân cận. Theo thống kê, năm 2021, môi trường phải tiếp nhận hơn 3.365 triệu m3 nước thải sinh hoạt, hơn 245 triệu m3 nước thải chăn nuôi, hơn 1.335,3 triệu m3 nước thải nuôi trồng thủy sản; chưa kể lượng lớn nước thải từ các làng nghề, các vùng phụ cận chưa được xử lý thải ra môi trường. Tổng lượng nước thải y tế phát sinh là 47.525 triệu m3 ; trong đó lượng nước thải phát sinh tại các cơ sở y tế có giường bệnh khoảng trên 135.000 m3 /ngày đêm, chưa kể lượng nước thải từ các cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở đào tạo y dược và sản xuất thuốc.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 71 nhà máy/trạm xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.383.000 m3 /ngày đêm; tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%. Tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn thấp; trong khi đó giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải quá thấp (trung bình chỉ bằng khoảng 10% giá nước sạch), chỉ đáp ứng được khoảng 10% chi phí xử lý thực tế. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ có khoảng 41% nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản được thu gom, xử lý. Vẫn còn khoảng 9% lượng nước thải y tế phát sinh chưa được xử lý (Theo báo cáo của Bộ Y tế, lượng nước thải y tế được xử lý là 43.247.750 m3 , chiếm tỷ lệ 91%). Ở nông thôn, thực tế hầu hết các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. 

Nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp phát sinh ngày càng lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Cả nước mới có 162/735 CCN (đạt tỷ lệ 22%) đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15% hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ô nhiễm môi trường một số LVS trong thời gian qua bị ô nhiễm nặng và có diễn biến phức tạp. Yêu cầu đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt đặt ra cấp bách trong khi nguồn vốn còn hạn chế, các chính sách xã hội hóa chưa hiệu quả. 

Tại một số LVS chính, nhất là LVS Nhuệ – Đáy, hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, sông Cầu, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Sài Gòn – Đồng Nai đoạn chảy qua các đô thị, khu dân cư, tình trạng ô nhiễm nước mặt vẫn tiếp tục  diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa khô khi lưu lượng dòng chảy trên các sông này giảm mạnh. Cùng với đó là tình trạng đổ rác thải bừa bãi gây ô nhiễm, tắc nghẽn, thu hẹp dòng chảy, nhiều dòng sông không còn khả năng tự làm sạch do không có dòng chảy hoặc có nhưng không đáng kể và đã biến thành nơi dẫn, tiêu thoát, chứa nước thải.

Các điểm nóng ô nhiễm môi trường LVS

Kết quả quan trắc năm 2021 cho thấy, đa phần các LVS lớn như LVS Hồng – Thái Bình và LVS Mã – Chu, LVS Cả – La, LVS Vu Gia – Thu Bồn và LVS Mê Công duy trì ở mức tốt đến rất tốt. Nhiều sông, đoạn sông, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác. Kết quả quan trắc trung bình qua mỗi điểm quan trắc, không có nhiều biến động bất thường. Tuy nhiên, ô nhiễm cục bộ vẫn đang tiếp diễn trên các đoạn sông chảy qua khu vực tập trung dân cư, khu vực làng nghề, khu vực hoạt động sản xuất công nghiệp,… (đoạn sông Cầu trước khi vào Tp. Thái Nguyên; đoạn sông Nhuệ qua địa phận Hà Nội). 

Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước tập trung trên các LVS ở khu vực phía Bắc (LVS Nhuệ – Đáy, LVS Cầu) và phía Nam (LVS Đồng Nai), tình trạng ô nhiễm qua các đợt quan trắc trong năm và chưa có dấu hiệu được cải thiện, điển hình như ô nhiễm trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét,… (Hà Nội), sông Cầu chảy qua địa phận Bắc Ninh – Bắc Giang, sông Bắc Hưng Hải, kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, kênh Tham Lương – Bến Cát – Vàm Thuật,… Ô nhiễm trên các LVS chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng (các thông số ô nhiễm tập trung chủ yếu là DO, COD, BOD5, TSS); nhóm dinh dưỡng (N-NH4 + , N-NO2 – ). Phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận chưa có dấu hiệu ô nhiễm kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật.

Định hướng quản lý thời gian tới 

Bộ TN&MT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu giai đoạn 2006 – 2020, Đề án tổng thể BVMT LVS Nhuệ – sông Đáy đến năm 2020, Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai giai đoạn 2008 – 2020 và đề xuất định hướng quản lý môi trường LVS trong giai đoạn tiếp theo.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương giải quyết các vấn đề ô nhiễm liên tỉnh tại một số LVS trọng điểm; tổ chức xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, BVMT.

Nguồn: monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.